DS34B.TK Diễn đàn lớp Dân Sự 34B ĐH Luật TPHCM
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI FORUM LỚP DÂN SỰ 34B TRƯỞNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM
DS34B.TK Diễn đàn lớp Dân Sự 34B ĐH Luật TPHCM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DS34B.TK Diễn đàn lớp Dân Sự 34B ĐH Luật TPHCM


 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu
Latest topics
» Phần mềm học 3000 từ vựng tiếng anh thông dụng nhất - 100% Hiệu Quả
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby thongpro31 Sat May 16, 2015 2:03 pm

» Cơ hội để sinh viên khoá sau tiếp tục sử dụng diễn đàn
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Sun Mar 16, 2014 10:59 pm

» Sài Gòn Web Đẹp - Chuyên cung cấp sỉ lẻ Smart phone và thiết kế website trọn gói cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức với giá siêu rẻ
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Fri Sep 13, 2013 10:17 am

» Thông báo về lễ tốt nghiệp
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Wed Aug 28, 2013 2:29 pm

» Thông báo tuyển chuyên viên luật tại Quảng Ngãi
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Wed Aug 28, 2013 2:22 pm

» Chủ đề: THẺ VISA TRẢ TRƯỚC (PREPAID CARD)
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby kaka Sun Aug 25, 2013 6:19 pm

» Quy trình tổ chức Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên hệ chính quy
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby ronaldo Sun Aug 25, 2013 12:24 pm

» Tuyển cộng tác viên đăng tin quảng cáo làm việc tại nhà
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby ronaldo Sun Aug 25, 2013 12:24 pm

» Chủ đề: THẺ VISA TRẢ TRƯỚC (PREPAID CARD)
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby ronaldo Sun Aug 25, 2013 12:21 pm

» Nghị quyết mới môn LTTDS
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Ngo Tam Sat Jun 29, 2013 11:27 pm

» THÔNG BÁO VỀ LỊCH ÔN TẬP VÀ THI TỐT NGHIỆP
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Thu Jun 27, 2013 11:32 am

» Điểm bộ phận TTHS
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Thu Apr 25, 2013 7:48 pm

» Về đề thi môn TTHS (Mới nhất)
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Mon Apr 08, 2013 10:48 pm

» Nhanh tay click - ăn cháo sạch dài lâu
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby 4TCenter Fri Mar 29, 2013 2:55 pm

» Ôn tập TTHC
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeby Admin Thu Mar 28, 2013 7:15 pm

Monthly Hot Music

Top posters
kaka
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
ronaldo
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
Admin
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
hoàngngấn
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
EnbacMIG
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
MoonQn307
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
darkcrystal_hongxuan
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
heomoiden
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
thuha_qt
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
vanlinh
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_leftChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_centerChương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Poll_right 
Advertisements
Lượt truy cập
thiết kế website giá rẻ Smart phone giá sốc
SEO website 
Liên kết
May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar

 

 Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Forum VIP
Forum VIP
Admin


Tổng số bài gửi : 401
Points : 6032
Thanks : 52
Join date : 02/05/2010

Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Empty
Bài gửiTiêu đề: Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận    Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeWed Sep 07, 2011 8:02 am

CHƯƠNG 1
KỸ NĂNG PHÂN TÍCH VÀ TẠO LẬP VĂN BẢN
 Mục đích yêu cầu:
- Về nội dung kiến thức: hệ thống hóa, củng cố và nâng cao các kiến thức về văn bản và các kỹ năng phân tích, tạo lập văn bản đã được học ở phổ thông.
- Về kỹ năng: rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng để hiểu đúng và hiểu sâu một văn bản cũng như kỹ năng nói và viết một cách chặt chẽ, mạch lạc, chuẩn xác và có sức thuyết phục.
- Yêu cầu về phương pháp: chú trọng việc hướng dẫn sinh viên thực hành các kỹ năng phân tích và tạo lập các văn bản cụ thể.

Bài 1
LÝ THUYẾT VỀ VĂN BẢN

1. Khái quát về văn bản
1.1. Khái niệm
- Theo Từ điển từ Hán - Việt, từ văn bản xét về mặt từ nguyên bao gồm: văn là nét vẽ bên ngoài, bản là gốc cây - gốc của mọi việc - bản vẽ. Văn bản là lời văn được ghi lại .
- Theo Từ điển Tiếng Việt, văn bản là :1. Bản viết hoặc in, mang nội dung là những gì cần được ghi để lưu lại làm bằng. 2. Chuỗi ký hiệu ngôn ngữ hay nói chung những ký hiệu của một hệ thống nào đó làm thành một chỉnh thể mang một nội dung ý nghĩa trọn vẹn.
Trên thế giới hiện nay đang tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm văn bản. Ngôn ngữ học văn bản là một phân môn của ngôn ngữ học mới ra đời từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX. Đồng thời với quá trình đưa văn bản vào vị trí là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học thì hàng loạt định nghĩa về văn bản cũng xuất hiện. Từ nhiều góc nhìn khác nhau về văn bản, có thể thấy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai cách hiểu khác nhau về khái niệm văn bản:
1) Đồng nhất văn bản (text) với diễn ngôn (discourse), trong đó bao gồm cả văn bản nói và văn bản viết.
2) Phân biệt văn bản với diễn ngôn: văn bản là diễn ngôn tồn tại dưới dạng viết, còn diễn ngôn là văn bản tồn tại dưới dạng nói.
Trong thực tế, hai loại diễn ngôn nói và viết mặc dù có nhiều điểm tương đồng với tư cách là một đơn vị giao tiếp bằng ngôn ngữ, nhưng đồng thời lại cũng có không ít những điểm khác nhau (về chất liệu thể hiện, hoàn cảnh sử dụng, cấu trúc nội tại của các đơn vị ngôn ngữ…). Bởi vậy, trong phạm vi giới hạn của môn học này, chúng tôi sử dụng khái niệm văn bản với nghĩa là diễn ngôn tồn tại dưới dạng viết. Theo đó, các nội dung kiến thức về văn bản cũng như các kỹ năng phân tích và tạo lập văn bản mà chúng tôi đề cập đến đều chỉ giới hạn trong phạm vi văn bản viết.
Như vậy, có thể định nghĩa: Văn bản là một đơn vị giao tiếp ngôn ngữ ở dạng viết, có tính chất trọn vẹn về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức, hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định.
Qui mô, dung lượng của văn bản có thể dài, ngắn khác nhau, thường bao gồm một tập hợp nhiều câu (một lá đơn, một hợp đồng, một bức thư, một bài báo, một công trình khoa học, một tác phẩm văn học…), nhưng cũng có khi chỉ là một câu (ca dao, tục ngữ, châm ngôn, một câu khẩu hiệu).
1.2. Một số đặc điểm chính của văn bản
a. Tính chỉnh thể:
Tính chỉnh thể của một văn bản thể hiện:
- Tính chất trọn vẹn về nội dung: mỗi văn bản trình bày đầy đủ một vấn đề, một sự việc, hướng tới một mục đích nhất định, tạo ra tính thống nhất về đề tài, chủ đề. Điều này có nghĩa là văn bản khác với một chuỗi câu nối tiếp nhưng không có sự mạch lạc, nhất quán về nội dung, tức là một chuỗi câu “bất thường về nghĩa”.
- Tính chất hoàn chỉnh về hình thức: mỗi văn bản bao gồm các câu, các đoạn, chương, phần, được liên kết bởi các dấu hiệu hình thức, phân bố trong một kết cấu chặt chẽ, có mở đầu và kết thúc.
b. Tính liên kết:
Giữa các câu, đoạn, chương, phần của văn bản có mối liên kết chặt chẽ cả về nội dung lẫn hình thức.
- Liên kết về nội dung: toàn văn bản phải xoay quanh một chủ đề (liên kết giữa các chủ đề con với chủ đề lớn).
- Liên kết về hình thức: được hiện diện trên bề mặt văn bản qua các từ nối, các từ có chức năng chuyển ý, chuyển đoạn.
Tính liên kết có thể coi là nhân tố quan trọng nhất có tác dụng biến một chuỗi câu thành một văn bản, để phân biệt văn bản với một chuỗi câu hỗn độn. (Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ văn bản trong các ngôn ngữ Ấn – Âu bắt nguồn từ chữ Latin textum có nghĩa là liên kết).
Ví dụ 1:
Sông Hương là vậy, dòng sông của thời gian ngân vang, của sử viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự biến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nàng đem áo ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo lục điều với loại vải vân thưa màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Ðấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông...
(Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Ví dụ 2:
Trong đặc trưng văn hóa Việt tất cả mọi thứ người dân ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đều cho ta thấy cuộc sống của họ gắn mang dấu ấn sông nước tất mọi thứ thể hiện cuộc sống của người Việt có được là do thiên nhiên ban tặng cho. Đặc điểm điều kiện tự nhiên của Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa với nghề trồng lúa nước nên họ lấy trang phục của mình để tương trưng cho màu đất (đen ở miền Bắc) màu nâu (màu bùn ở miền Nam) được hòa quyện vào trong lòng của mỗi người dân. Khi người Việt xây nhà đều dùng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên: gỗ, tre, nứa, rơm rạ, cọ dừa… (Trích bài làm môn Đại cương văn hóa Việt Nam của sinh viên ĐH Luật TP. HCM).
Trong hai ví dụ trên, ví dụ 1 là một đoạn văn bản, được biểu hiện qua tính liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức. Ví dụ 2 là một đoạn câu được ghép nối hỗn độn chứ không phải văn bản vì không có tính liên kết cả về nội dung lẫn hình thức.
c. Tính mục đích:
Mỗi văn bản hướng tới một mục đích giao tiếp nhất định: thông báo, tuyên truyền, kêu gọi, thuyết phục, khẳng định, bác bỏ…
1.3. Bố cục một văn bản
Văn bản thường có kết cấu 3 phần: mở đầu, khai triển, kết thúc.
1.3.1. Phần mở đầu
- Nhiệm vụ: giới thiệu vấn đề, đối tượng, nội dung, phạm vi vấn đề (sẽ bàn tới ở phần sau).
- Cách thức: Thông thường có hai cách mở đầu văn bản:
+ Mở trực tiếp: đi thẳng vào vấn đề của văn bản, không qua dẫn dắt
+ Mở gián tiếp: dẫn dắt từ thông tin gần gũi khác rồi mới giới thiệu vấn đề chính của văn bản.
1.3.2. Phần khai triển
- Đây là phần chính của văn bản, làm nhiệm vụ khai triển cụ thể các nội dung, giải quyết các vấn đề đã được giới thiệu ở phần mở đầu.
- Nội dung văn bản được triển khai thông qua việc thông báo, giải thích, bình luận, bác bỏ, thuyết phục… về một hay nhiều vấn đề nào đó, dựa trên việc triển khai hệ thống các luận điểm, luận cứ với sự tổ chức, dẫn dắt các lý lẽ để thuyết phục người đọc chấp nhận các kết luận được đưa ra trong bài viết.
- Phần khai triển thường được tách thành nhiều đoạn văn mạch lạc, liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức.
1.3.3. Phần kết thúc
- Nhiệm vụ: kết lại vấn đề, thông báo về sự hoàn tất, trọn vẹn của văn bản.
- Cách thức: Thông thường có hai cách kết thúc văn bản:
+ Kết thúc khép kín: là kết thúc theo kiểu tóm tắt lại những vấn đề chính đã được trình bày trong phần khai triển.
+ Kết thúc mở: là kiểu kết thúc dựa vào những luận điểm đã giải quyết ở phần khai triển để đưa ra những lời đề nghị, khuyến cáo, kêu gọi hay bày tỏ cảm nghĩ…
2. Vai trò của văn bản trong giao tiếp xã hội
- Giao tiếp là hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin, nhận thức, tư tưởng, tình cảm, thái độ giữa con người với con người trong cuộc sống.
- Con người sống trong xã hội loài người không thể không có hoạt động giao tiếp. Nhờ có hoạt động giao tiếp mà xã hội loài người mới hình thành, tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển của xã hội, các hình thức và phương tiện giao tiếp của con người cũng ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
- Trong số các phương tiện giao tiếp của con người, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp thông dụng nhất, quan trọng nhất, có khả năng chuyển tải một cách trọn vẹn các thông tin về tư tưởng, nhận thức, tình cảm từ người nói/viết đến người nghe/đọc. mà nói đến giao tiếp ngôn ngữ là nói đến văn bản (nói hoặc viết).
3. Các loại văn bản trong giao tiếp xã hội
Có hai cách phân loại văn bản: phân loại theo hình thức tồn tại và phân loại theo phong cách chức năng.
3.1. Phân loại theo hình thức tồn tại
- Văn bản dạng nói: một bài phát biểu, một cuộc hội thoại (đàm phán, thảo luận, tranh luận) về một vấn đề nào đó.
- Văn bản dạng viết: các loại văn bản được in, viết trên các chất liệu (giấy, gỗ, đá, trên máy tính…).
3.2. Phân loại theo cấu trúc
- Văn bản cấu trúc theo khuôn mẫu cố định: là các văn bản dùng trong công vụ, hành chính, ngoại giao: công văn, đơn từ, văn bản luật, hợp đồng, tờ khai, công hàm, điều lệnh…
- Văn bản có cấu trúc tự do: văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản khoa học, văn bản báo chí…
3.3. Phân loại theo chức năng
3.3.1. Văn bản hành chính
a. Khái niệm:
Là loại văn bản dùng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, có chức năng giao tiếp trong phạm vi toàn xã hội, nhằm truyền đạt các thông tin để tổ chức, quản lí, điều hành xã hội (hành chính công), hoặc để điều hành, giao dịch trong các tổ chức xã hội, doanh nghiệp…
b. Các loại văn bản hành chính:
- Văn bản pháp luật: hiến pháp, luật, văn bản dưới luật (pháp lệnh, nghị quyết, chỉ thị, thông tư, điều lệ, thông cáo, tờ trình, công điện) …Trong đó, văn bản luật là văn bản do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành (quốc hội hoặc nghị viện), có giá trị pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật. Mọi văn bản pháp luật khác (văn bản dưới luật), khi ban hành đều phải dựa trên cơ sở của các văn bản luật và không được phép trái với các quy định trong các văn bản đó.
- Văn bản hội nghị: gồm biên bản, báo cáo, nghị quyết…
- Văn bản thủ tục hành chính: giấy giới thiệu, đơn từ, hợp đồng, văn bằng…
c. Đặc điểm của văn bản hành chính:
- Đặc điểm chung: văn bản hành chính có tính khuôn mẫu, tính minh xác, tính hiệu lực.
- Đặc điểm về cách thức trình bày, diễn đạt: trình bày thường theo mẫu quy định, từ ngữ mang tính chuẩn mực, khách quan, đơn nghĩa, phổ thông (không chấp nhận các từ địa phương, biệt ngữ, khẩu ngữ), dùng nhiều từ Hán – Việt, đúng chuẩn chính tả; diễn đạt rõ ràng (sử dụng phổ biến câu đơn, thường xuống dòng); hay dùng các câu tỉnh lược chủ ngữ, câu bị động. (Sẽ học trong môn Xây dựng văn bản pháp luật nên không trình bày cụ thể ở đây).
3.3.2. Văn bản khoa học
a. Khái niệm:
Là loại văn bản có nội dung thông tin những vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu, phổ biến và trao đổi khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật…) nhằm đem lại những tri thức khoa học, làm thay đổi nhận thức, hiểu biết của con người về thế giới.
b. Các loại văn bản khoa học:
- Văn bản khoa học chuyên sâu: luận văn, luận án, chuyên luận, các công trình khoa học…
- Văn bản khoa học giáo khoa: sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu dạy học trong nhà trường, bài làm của học sinh, sinh viên…
- Văn bản khoa học thường thức: các bài báo, văn bản phổ cập khoa học…
c. Đặc điểm của văn bản khoa học:
- Đặc điểm chung: văn bản khoa học có tính trí tuệ, tính logic, tính khái quát
- Đặc điểm về cách thức trình bày, diễn đạt: bố cục mạch lạc, có từng chương mục cụ thể; diễn đạt bằng ngôn ngữ chính xác, đơn nghĩa, khách quan, trung hòa về sắc thái cảm xúc, ở một số kiểu văn bản thường sử dụng công thức, sơ đồ, mô hình, bảng biểu…; câu văn thiên về kiểu câu tường thuật, câu ghép có nhiều thành phần.
Ví dụ: Nhật thực và nguyệt thực
Khi mặt trăng chạy vòng quanh trái đất, sẽ có lúc nó nằm giữa trái đất và mặt trời. Nhật thực xảy ra khi trái đất, mặt trăng và mặt trời nằm trên cùng một đường thẳng (theo thứ tự đó).
Mặt trăng chạy một vòng quanh trái đất mất khoảng 29 ngày rưỡi. Tuy nhiên, quỹ đạo của mặt trăng không nằm trên cùng mặt phẳng với quỹ đạo của trái đất xoay quanh mặt trời do đó nhật thực không xảy ra hàng tháng. Nhật thực xảy ra khoảng hai lần một năm.
Khi mặt trăng hoàn toàn che hết mặt trời, ta có nhật thực toàn phần…
Khi mặt trăng chỉ che một phần mặt trời, ta có nhật thực bán phần.
Cũng giống như nhật thực nhưng nguyệt thực xảy ra khi mặt trăng, trái đất và mặt trời cùng nằm trên một đường thẳng (theo thứ tự đó). Nhật thực xảy ra khi mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời còn nguyệt thực xảy ra khi trái đất nằm giữa mặt trăng và mặt trời.
Ánh sáng từ mặt trăng mà ta thường thấy là do ánh sáng từ mặt trời chiếu tới mặt trăng và phản xạ tới trái đất. Khi trái đất nằm giữa mặt trời và mặt trăng, ánh sáng từ mặt trời tới mặt trăng sẽ bị trái đất che khuất, và lúc đó sẽ không có ánh sáng phản xạ từ mặt trăng nữa, mặt trăng lúc đó sẽ bị tối.
Cũng giống như nhật thực, nguyệt thực cũng có toàn phần và bán phần.
3.3.3. Văn bản nghị luận
a. Khái niệm:
Văn bản nghị luận là kiểu văn bản trình bày, bình luận, đánh giá về những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, tư tưởng, văn hóa… theo một quan điểm nhất định nhằm thuyết phục, lôi cuốn người đọc/người nghe, thay đổi nhận thức và hành động của họ.
b. Các loại văn bản nghị luận:
Cương lĩnh, tuyên ngôn, lời hiệu triệu, lời kêu gọi, các bài bình luận, xã luận về các vấn đề chính trị - xã hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các tham luận được đọc tại hội nghị, bản luận tội hay bào chữa tại tòa…
c. Đặc điểm của văn bản nghị luận:
- Đặc điểm chung: văn bản nghị luận có tính trí tuệ, tính thuyết phục và tính đại chúng.
- Đặc điểm về cách thức trình bày, diễn đạt: bố cục ba phần mạch lạc, lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tin cậy; sử dụng đa dạng các kiểu câu, nhất là câu phức nhiều thành phần, các biện pháp tu từ, các quan hệ từ, có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu văn, đoạn văn.
Ví dụ:
Tuyên ngôn Độc lập
Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng dã man bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa.
Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
(Hồ Chí Minh)
3.3.4. Văn bản báo chí
a. Khái niệm:
Là loại văn bản dùng để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
b. Các loại văn bản báo chí: bản tin, phóng sự, kí sự, v.v…
Hiện nay trên thế giới cũng như ở nước ta đã phát triển nhiều loại hình báo chí: báo viết (ấn phẩm), báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình), báo mạng (trang điện tử).
c. Đặc điểm của văn bản báo chí:
- Đặc điểm chung: Văn bản báo chí có tính thông tin thời sự, tính định hướng, tính xác thực.
- Đặc điểm về cách thức trình bày, diễn đạt: ngắn gọn, mạch lạc, ngôn ngữ phong phú, ở mỗi phạm vi phản ánh, mỗi thể loại báo chí lại có một lớp từ vựng rất đặc trưng; sử dụng đa dạng các kiểu câu; không hạn chế các biện pháp tu từ. Với báo nói, đòi hỏi phát âm chuẩn, rõ ràng, khúc chiết; với báo viết thì chú ý đến khổ chữ, kiểu chữ phối hợp với màu sắc, hình ảnh,… để tạo điểm nhấn trong thông tin.
Ví dụ: Bản tin
50.000 sinh viên TP.HCM tham gia Mùa hè xanh 2011
Sáng 17/7/2011, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ ra quân chiến dịch Mùa hè xanh 2011. Chiến dịch có sự tham gia của 50.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP. HCM.
Chiến dịch năm nay diễn ra trên địa bàn 24 quận, huyện của TP.HCM, 13 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ và nước CHDCND Lào. Các hoạt động cụ thể của chiến dịch gồm: trồng 50.000 cây xanh, nạo vét, khơi thông kênh rạch ven sông Sài Gòn; chăm lo gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương; xây dựng nhà tình bạn, tặng học bổng nghề cho thanh niên khó khăn, huấn luyện kỹ năng, kiến thức ngoại ngữ, tin học cho thiếu nhi, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân; xây dựng các khu vui chơi cho thiếu nhi…
Ngay sau lễ xuất quân, 4.000 chiến sĩ tình nguyện đã tham gia nạo vét kênh rạch, tuyên truyền bảo vệ môi trường tại quận 2, quận 4, quận 7, quận 12, Bình Thạnh, Tân Bình và Thủ Đức.
(K.Huy, Báo Tuổi trẻ)
3.3.5. Văn bản nghệ thuật
a. Khái niệm:
Văn bản nghệ thuật là tác phẩm văn chương, có chức năng thông tin – thẩm mỹ.
b. Các loại văn bản nghệ thuật:
- Văn xuôi nghệ thuật: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, ký, tùy bút,…
- Thơ: trữ tình, tự sự
- Kịch bản văn học: bi kịch, hài kịch, chính kịch
c. Đặc điểm của văn bản nghệ thuật:
- Đặc điểm chung: văn bản nghệ thuật có tính tính hình tượng, tính biểu cảm, tính thẩm mỹ, tính phong cách cá nhân.
- Đặc điểm về cách thức trình bày, diễn đạt: các thể loại văn bản nghệ thuật nhìn chung đều có các đặc điểm tiêu biểu như: sử dụng rộng rãi và chọn lọc mọi lớp từ, nhất là lớp từ giàu hình tượng như từ tượng hình, tượng thanh, từ biểu cảm; coi trọng việc sáng tạo các từ mới; sử dụng và đa dạng các kiểu câu, phong phú các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ; chú trọng sự cân đối, hài hòa trong cấu trúc…
Ví dụ:
Con cáo và chùm nho
Ngày xưa, có một con Cáo hay lảng vảng gần trang trại của những người nông dân. Một hôm, nó phát hiện ra một vườn nho với đầy những chùm quả tím thẫm, chín mọng ở trên cao. Cáo liếm mép thèm thuồng nhìn những chùm nho và cẩn thận ngó quanh xem có bác nông dân nào không. Chùm nho cao quá nó lấy đà nhảy lên… Nhưng Cáo đã vồ trượt. Cáo lùi lại mấy bước và lấy hết sức bình sinh nhảy lên một lần nữa. Nhưng chùm no ở quá cao, nó không tài nào với tới được. Cáo lại không muốn bỏ cuộc, nó tiếp tục nhảy đi nhảy lại quanh chùm nho cho tới khi chân mỏi nhừ.
Cuối cùng, không còn cách nào khác, nó đành chịu thua chùm nho. Cáo quay đầu bỏ đi và tự nhủ:
- Thực ra mình đâu có thích ăn nho. Với lại, chắc chắn là chùm nho đó chưa chín. Chua thế thì làm sao ăn được.
(Truyện ngụ ngôn)
3.4. Sự giao thoa giữa các loại văn bản
Sự phân chia văn bản thành các loại với mục đích là để tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc khi lĩnh hội, phân tích; thuận lợi cho người viết/nói khi tạo lập văn bản, bởi mỗi loại văn bản có những nội dung, mục đích, đặc điểm, phong cách ngôn ngữ khác nhau. Song, trong thực tiễn đời sống, giữa các loại văn bản nhiều khi có sự giao thoa, kết hợp nhiều phương thức biểu hiện cũng như phong cách ngôn ngữ nên việc phân định ranh giới rạch ròi giữa chúng nhiều khi không đơn giản.
Ví dụ:
- Một số tác phẩm chính luận (đề cập đến vấn đề chính trị xã hội) nhưng lại rất giàu chất văn chương (tính hình tượng, tính thẩm mỹ, tính biểu cảm cao) như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi hay Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Ngược lại, nhiều tác phẩm văn chương cũng có tính chính luận (miêu tả đan xen với bình luận), ví dụ tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường... Sự kết hợp này làm cho tác phẩm nghị luận thêm hấp dẫn, còn tác phẩm văn chương thêm sâu sắc, giàu chất triết lý.
- Giữa văn bản báo chí và văn bản văn chương nhiều khi ranh giới cũng rất mập mờ, ví dụ phóng sự, ký sự, bút kí, tùy bút là những thể loại nằm ở ranh giới giao thoa giữa tính chất văn học và tính chất báo chí.
- Trong các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội như triết học, sử học, văn học, pháp lý… người viết cũng thường kết hợp đưa quan điểm, ý kiến cá nhân để bàn luận về các vấn đề, đó là sự thâm nhập giữa tính chất nghị luận với tính chất khoa học.
Tóm lại, khi viết/nói với một đối tượng giao tiếp xác định, với mục đích và nội dung cụ thể thì việc sử dụng loại hình văn bản nào sẽ chi phối việc lựa chọn phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất.

BÀI TẬP
Hãy xác định các văn bản, các đoạn văn bản sau thuộc loại văn bản nào? Cho biết căn cứ cụ thể xác định loại của các văn bản ấy.
Đoạn văn 1:
Triển lãm Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN vượt khó vươn lên do Sở VH-TT&DL TP.HCM, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP, Trung tâm triển lãm thông tin TP và Bảo tàng chứng tích chiến tranh phối hợp tổ chức đã có buổi khai mạc kết hợp giao lưu, trao quà cho những nạn nhân chất độc da cam khá xúc động vào sáng ngày 2-8 tại Bảo tàng.
Triển lãm diễn ra trong khuôn viên phía ngoài bảo tàng, trưng bày 50 bức ảnh về cuộc sống lao động thường ngày của 50 nạn nhân da cam có ý chí vươn lên trong cuộc sống, kéo dài từ nay đến hết ngày 10-8. Ngoài ra, phòng triển lãm cố định về các nạn nhân chất độc da cam với tên gọi Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở VN (hình thành cách đây bốn tháng) được mở cửa thường xuyên tại lầu 2 của bảo tàng. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam VN (10-Cool.
(Minh Trang)
Đoạn văn 2:
…Vậy nên, muốn làm cho luật pháp sống trong cuộc đời, điều cốt yếu theo tôi đừng quá tôn thờ văn bản luật, đừng quan niệm rằng hàng vạn con chữ do nền cơ quan lập pháp, lập quy in ra trên tờ giấy ngay lập tức có thể trở thành mệnh lệnh áp chế toàn dân tuân thủ. (Nói như các nhà hàn lâm: Đừng quan niệm luật chỉ là văn bản luật trên giấy, đó chỉ mới là một phần nhỏ xíu trong vô số những nguồn tạo ra luật pháp). Luật chỉ sống trong khi nó được tạo nên bởi lòng dân, được áp dụng bởi những cơ quan chấp pháp bị kiềm chế bởi sự liêm chính và sự giám sát của toàn xã hội, và nhất là luật chỉ sống khi được phát hiện và giải thích bởi các thẩm phán nhân danh công lý mà hành xử một cách độc lập, công tâm.
Như vậy, về đại thể, có 3 vấn đề lớn làm cho luật lệ nước ta gần lại với cuộc sống:
- Cần làm tiếng dân dội lên văn bản luật.
- Cần cương toả quyền lập quy của hành pháp.
- Cần tạo cơ hội cho quan toà ung dung, độc lập mà sáng tạo ra án lệ theo cảm nhận của lương tâm…
…Người ta bảo: Tôi nghĩ, nghĩa là tôi đang sống. Một dân tộc biết suy tư, mơ ước và hành động để chế ngự đói nghèo và ganh đua với các dân tộc láng giềng là một dân tộc đang sống. Đóng cửa lại, tự cấp, tự túc với đồng lúa và lệ làng, tự mãn với sự lạc điệu của riêng mình có lẽ là kẻ thù đáng sợ nhất của dân tộc chúng ta.
(Phạm Duy Nghĩa)
Đoạn văn 3:
Khái niệm luật La Mã rất rộng, được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ luật La Mã là truyền thống luật La Mã trong lịch sử pháp luật châu Âu, dựa trên Bộ Luật Justinian; luật La Mã còn được hiểu là luật thông dụng (Ius Commune) được áp dụng ở hầu hết các nước châu Âu; luật La Mã còn là một trường phái luật pháp theo xu hướng bảo tồn những nguyên tắc của luật La Mã… Thế nhưng khi nhắc đến khái niệm luật La Mã chúng ta phải hiểu rằng đó là luật pháp của nhà nước La Mã cổ đại kéo dài suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ VI sau Công nguyên). Những thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực xây dựng pháp luật của nhà nước La Mã là một trong những công trình văn hóa vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, có thể so sánh với Kim tự tháp của Ai Cập, Vạn lý trường thành của Trung Quốc… Theo Ăng- ghen: “Luật La Mã là hình thức pháp luật hoàn thiện nhất dựa trên cơ sở tư hữu. Sự thể hiện pháp lý những điều kiện sống và những xung đột xã hội trong đó thống trị tư hữu mà những nhà làm luật sau đó không thể mang thêm điều gì hoàn thiện hơn….
(Nguyễn Đình Huy)
Văn bản: Chiếu dời đô
Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại; ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
(Lý Thái Tổ)



BÀI 2
KỸ NĂNG PHÂN TÍCH VĂN BẢN
Trong quá trình học tập, nghiên cứu và làm việc, chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với các loại văn bản, tài liệu khoa học. Để hiểu văn bản và tiếp nhận được nội dung của văn bản thì trước hết đòi hỏi ta phải biết phân tích văn bản. Phân tích văn bản cũng chính là nghiên cứu kỹ và sâu về cấu trúc và các mối liên kết bên trong của văn bản, nhờ đó mới có thể lĩnh hội một cách chính xác và thấu triệt nội dung của văn bản.
Việc phân tích văn bản cần được thực hiện theo các bước sau:
1. Tìm hiểu các nhân tố giao tiếp của văn bản
1.1. Tìm hiểu nhân vật giao tiếp
- Ai viết nói)? Văn bản là công cụ giao tiếp giữa người viết và người đọc, được viết/nói ra một cách có mục đích. Thông qua văn bản, người viết muốn gửi đến người đọc những thông điệp về các vấn đề của cuộc sống, bởi vậy văn bản thường mang dấu ấn cá nhân của người viết như: nghề nghiệp, trình độ văn hóa, năng lực trí tuệ, tình cảm, sở thích cá nhân… Do đó, việc nắm được những thông tin cần thiết về người viết là điều kiện để việc tiếp nhận văn bản được thuận lợi hơn.
- Viết (nói) cho (với) ai? Khi viết/nói văn bản, người viết (nói) bao giờ cũng hướng đến đối tượng giao tiếp cụ thể. Đối tượng giao tiếp sẽ chi phối việc lựa chọn nội dung và hình thức giao tiếp phù hợp. Vì vậy, hiểu đối tượng giao tiếp mà văn bản hướng tới cũng là điều kiện để sự tiếp nhận văn bản được nhanh chóng và chính xác hơn.
1.2. Tìm hiểu hoàn cảnh giao tiếp của văn bản
Tìm hiểu thời gian, không gian, bối cảnh văn hóa – xã hội mà văn bản ra đời cũng góp phần để hiểu sâu hơn về nội dung và mục đích giao tiếp của văn bản.
Tất cả các nhân tố giao tiếp trên đều tác động đến việc tiếp nhận, lĩnh hội nội dung văn bản.
2. Kỹ năng phân tích văn bản
2.1. Xác định loại hình văn bản
Mỗi loại văn bản có chức năng khác nhau, và theo đó là các đặc điểm về nội dung và hình thức không giống nhau, bởi vậy, để hiểu văn bản trước hết phải nhận diện loại hình văn bản (hành chính, khoa học, nghị luận, báo chí, nghệ thuật…).
Một số loại văn bản được phân chia thành nhiều thể, nhiều kiểu khác nhau, vì thế sau khi xác định loại hình, người phân tích cần tìm hiểu thể loại cụ thể của văn bản. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc lĩnh hội văn bản nghệ thuật, bởi mỗi thể loại có đặc trưng riêng, phương pháp tiếp nhận riêng.
2.2. Tìm hiểu đề tài của văn bản
- Đề tài của văn bản là đối tượng, phạm vi, lĩnh vực của đời sống mà văn bản phản ánh.
- Muốn tìm đề tài, người đọc/nghe cần đặt và trả lời câu hỏi: Văn bản viết/nói về vấn đề gì?
- Căn cứ để xác định đề tài của văn bản: tên văn bản; các từ được nhắc lại nhiều lần trong văn bản.
Ví dụ: Đề tài của bản Tuyên ngôn Độc lập là lời tuyên bố độc lập của dân tộc Việt Nam.
2.3. Tìm hiểu chủ đề của văn bản
- Chủ đề là vấn đề chủ yếu, cơ bản mà văn bản tập trung giải quyết, làm sáng tỏ và cũng là thông tin quan trọng nhất mà văn bản muốn chuyển tải đến người đọc.
- Muốn tìm chủ đề, người đọc (nghe) phải trả lời câu hỏi: toàn bộ nội dung văn bản nói về điều gì? Người viết (nói) muốn gửi gắm thông điệp gì qua văn bản?
- Căn cứ để xác định chủ đề của văn bản: chủ đề thường được giới thiệu ở phần mở đầu, được tập trung làm sáng tỏ qua hệ thống luận điểm của văn bản và được khẳng định lại ở phần kết luận.
Ví dụ:
Người thầy đạo cao đức trọng
Ông Chu Văn An đời Trần nổi tiếng là một thầy giáo giỏi, tính tình cứng cỏi, không màng danh lợi.
Học trò theo ông rất đông. Nhiều người đỗ cao và sau này giữ những trọng trách trong triều đình như các ông Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, vì thế mà vua Trần Minh Tông vời ông ra dạy thái tử học. Đến đời Dụ Tông, vua thích vui chơi, không coi sóc tới việc triều đình, lại tin dùng bọn nịnh thần. Ông nhiều lần can ngăn nhưng vua không nghe. Lần cuối, ông trả lại mũ áo triều đình, từ quan về làng.
Học trò của ông, từ làm quan to đến người bình thường khi có dịp tới thăm thầy cũ, ai cũng giữ lễ. Nếu họ có điều gì không phải, ông trách mắng ngay, có khi không cho vào thăm.
Khi ông mất, mọi người đều thương tiếc.
(Phan Huy Chú)

Ở văn bản này, đề tài là “người thầy”; chủ đề là “đạo cao đức trọng”.
2.4. Tìm hiểu bố cục và lập luận của văn bản
Để lĩnh hội được văn bản một cách trọn vẹn, ngoài việc tìm đề tài, chủ đề, người đọc cần hiểu chủ đề được khai triển cụ thể qua hệ thống luận điểm với các ý chính như thế nào.
2.4.1. Tìm hiểu bố cục văn bản
- Bố cục là sự chia tách văn bản thành các phần rành mạch. Bố cục văn bản thường có ba phần: phần mở đầu, phần khai triển, phần kết. Tùy từng loại hình văn bản mà các phần này có nội dung, yêu cầu khác nhau (bố cục văn bản hành chính theo mẫu quy định; văn bản nghệ thuật thể hiện cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ nên bố cục cần sự độc đáo; văn bản nghị luận và văn bản khoa học có bố cục ba phần rõ ràng, mạch lạc…).
- Để tìm bố cục, người đọc phải căn cứ vào đặc điểm hình thức và nội dung (những đặc điểm này đã được trình bày trong mục 1.3. Bài 1, Chương I). Về hình thức, phần mở đầu thường là đoạn đầu văn bản; phần kết là đoạn cuối văn bản; phần khai triển gồm các đoạn giữa văn bản (có khi chỉ một đoạn nếu văn bản chỉ có một luận điểm). Về nội dung, phần mở đầu có nhiệm vụ giới thiệu đối tượng và phạm vi vấn đề cần giải quyết; phần khai triển có nhiệm vụ làm sáng tỏ các vấn đề; phần kết có nhiệm vụ tổng hợp lại vấn đề đã bàn (có thể nâng cao và gợi mở thêm về vấn đề).
2.4.2. Tìm hiểu lập luận của văn bản
Để phân tích lập luận của văn bản, người đọc cần tìm các luận điểm, luận cứ và trình tự sắp xếp luận điểm, luận cứ.
- Luận điểm là ý chính để thuyết minh, làm sáng tỏ chủ đề của văn bản. Mỗi luận điểm thể hiện một phần nội dung văn bản. Luận cứ là các căn cứ, lý lẽ để chứng minh cho luận điểm.
- Muốn tìm các luận điểm của văn bản, cần dựa vào dấu hiệu hình thức, đó là sự phân chia các đoạn văn. Một luận điểm có thể được viết trong một đoạn cũng có thể được triển khai trong nhiều đoạn, mỗi đoạn diễn đạt một ý nhỏ. Trong một đoạn văn, ý chính có thể nằm trong câu chủ đề, hoặc cũng có thể nằm rải rác trong toàn đoạn.
Ví dụ:
Bố cục và lập luận bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
+ Phần mở đầu:
Nêu nguyên lí mang tính phổ quát đã được thừa nhận: Tất cả mọi người và các dân tộc đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây cũng là luận điểm xuất phát để khai triển toàn bài.
+ Phần khai triển:
Gồm 2 luận điểm chính:
1) Qua thực tế lịch sử hơn 80 năm đô hộ nước ta của thực dân Pháp, tác giả chứng minh nguyên lí trên đã bị thực dân Pháp phản bội, chà đạp tàn bạo.
2) Nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, qua đó khẳng định quyền tự chủ chính đáng của nhân dân Việt Nam.
+ Phần kết luận:
Tuyên bố quyền hưởng tự do, độc lập và khẳng định quyết tâm giữ vững tự do, độc lập của dân tộc ta. (Dân tộc Việt Nam đã thực hiện đúng nguyên lý, vì thế yêu cầu mọi người, mọi dân tộc tôn trọng nền độc lập của Việt Nam).
3. Kỹ năng phân tích đoạn văn
Để hiểu nội dung văn bản, không thể chỉ dừng lại ở cấp độ khái quát như tìm hiểu đề tài, chủ đề, bố cục, mà còn phải đi sâu phân tích nội dung cụ thể của văn bản được biểu hiện ở cấp độ nhỏ hơn, đó là đoạn văn.
3.1. Nhận diện đoạn văn
- Đặc điểm hình thức: đoạn văn là phần văn bản có chữ cái viết hoa đầu dòng lùi vào và kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng. Phần văn bản đó được hợp thành bởi nhiều câu (cá biệt có khi chỉ một câu), các câu liên kết với nhau chặt chẽ thông qua các phương tiện liên kết.
- Đặc điểm nội dung: Mỗi đoạn văn thể hiện một luận điểm (hay còn gọi là một chủ đề nhỏ), diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn. Các câu trong đoạn tập trung làm rõ luận điểm (chủ đề) ấy.
Ví dụ:
Vía là cái làm hoạt động các quan năng – những nơi cơ thể tiếp xúc với môi trường xung quanh. Đàn ông có bảy vía cai quản bảy “lỗ” trên mặt: hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Phụ nữ thì có thêm hai vía cai quản nơi sinh đẻ và nơi cho con bú.
Ba hồn, theo một cách giải thích uyên bác, gồm tính, khí và thần. Tính là sự tinh anh trong nhận thức (nhờ các quan năng, các vía mang lại). Khí là khí lực, là năng lượng làm cho cơ thể hoạt động. Thần là thần thái, là sự sống nói chung.
(Trần Ngọc Thêm)
3.2. Tìm ý chính của đoạn văn
3.2.1. Tìm ý chính trong đoạn văn có câu chủ đề
Với đoạn văn có câu chủ đề, cần tìm câu chủ đề và nắm bắt được nội dung diễn đạt trong câu. Câu chủ đề chính là ý chính của đoạn văn. Vị trí của câu chủ đề có thể nằm ở đầu, ở cuối, hoặc giữa đoạn văn, cũng có khi ở cả đầu và cuối đoạn văn. Các câu còn lại làm rõ ý cho câu chủ đề.
Ví dụ:
Câu chủ đề ở đầu đoạn văn:
Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy. Chúng ta chống là chống nói dài viết rỗng. Chứ không phải nhất thiết cái gì ngắn cũng tốt.
(X.Y.Z.)
Câu chủ đề ở cuối đoạn văn:
Hiện nay, trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài. Điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài. Thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy, cho nên viết ngắn chừng nào hay chừng ấy.
(Hồ Chí Minh)
Câu chủ đề ở giữa đoạn văn:
Tăng trưởng kinh tế luôn luôn là mục tiêu chiến lược của mọi quốc gia, nhưng chủ thể kinh tế lại là con người, mà thước đo trình độ con người lại chính là văn hóa. Vì vậy, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa. Nếu phát triển kinh tế mà không chú ý tới phát triển văn hóa thì dễ dẫn đến tình trạng đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
(Báo Nhân dân 15 – 06 – 1996)
Ví dụ:
Câu chủ đề vừa ở đầu vừa ở cuối đoạn văn:
Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp, đẹp như thế nào là điều rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào, cũng như không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ, tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
(Phạm Văn Đồng)
3.2.2. Tìm ý chính trong đoạn văn không có câu chủ đề
Với đoạn văn không có câu chủ đề, muốn tìm ý chính của đoạn thì phải tìm các ý bộ phận rồi từ đó khái quát thành ý chung, bởi chủ đề của đoạn rải ra trong tất cả các câu, mỗi câu thể hiện một khía cạnh của chủ đề.
Ví dụ:
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
(Hồ Chí Minh)
3.3. Tìm hiểu lập luận đoạn văn
Khi phân tích đoạn văn, để tìm hiểu nội dung đoạn văn, cần phải tìm hiểu cách lập luận của đoạn văn đó. Có nhiều cách trình bày, lập luận đoạn văn.
+ Đoạn văn lập luận theo cách qui nạp:
Qui nạp là quá trình lập luận đi từ cái riêng đến cái chung, từ những đối tượng cụ thể, riêng biệt để nâng lên thành những nhận định khái quát, để suy ra các nguyên tắc, nguyên lí phổ biến.
Ví dụ:
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
(Hồ Chí Minh)
+ Đoạn văn lập luận theo cách diễn dịch:
Diễn dịch là cách lập luận ngược lại với qui nạp: đi từ cái chung, cái khái quát đến cái riêng, cái cụ thể.
Ví dụ:
Một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi về hình thức cũng như tinh thần. Triều đại tuy bao lần hưng vong, giang sơn tuy bao lần đổi chủ, song mọi cuộc biến cố về chính trị ít khi ba động đến sự sống nhân dân. Từ đời này sang đời khác, đại khái chỉ có bấy nhiêu tập tục, bấy nhiêu ý nghĩ, bấy nhiêu tin tưởng, cho đến những nỗi yếu ghét, vui buồn cơ hồ cũng nằm yên trong những khuôn khổ nhất định. Thời gian ở đây đã ngừng lại và người ta chỉ sống trong không gian.
(Hoài Thanh)
+ Đoạn văn lập luận theo kiểu phối hợp diễn dịch với qui nạp:
Đây cũng là cách lập luận thường được sử dụng phổ biến trong viết đoạn văn. Việc kết hợp cách lập luận qui nạp và diễn dịch (tổng – phân – hợp) để giúp cho sự trình bày vấn đề thêm tính khái quát và sâu sắc hơn.
Ví dụ:
Kiều không biết mấy lần nhìn trăng nhưng cảnh trăng cũng mỗi lần một khác: khi rạo rực yêu đương, khi gần gụi âu yếm, khi bát ngát bao la, khi ám ảnh như một lời trách móc, khi cô đơn, khi tàn tạ, khi mong manh. Có thể nói, thiên nhiên trong Truyện Kiều cũng là một nhân vật, một nhân vật thường vẫn kín đáo, lặng lẽ, nhưng không mấy khi không có mặt và luôn luôn thấm đượm tình người.
(Hoài Thanh)
+ Đoạn văn lập luận theo cách phản đề (bác bỏ):
Phản đề là kiểu lập luận bằng cách nêu ý kiến đối lập rồi dùng lí lẽ và lập luận để phản bác lại, nhờ đó làm khắc sâu thêm tính chất khẳng định vấn đề.
Ví dụ 1:
Người ta thường cho rằng văn hóa chỉ là những học thuật, tư tưởng của loài người, nhân thế, nên xem văn hóa có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật, tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hóa, nhưng phần sinh hoạt về kinh tế, chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục, tập quán tầm thường lại không ở trong phạm vi văn hóa hay sao? Hai tiếng “văn hóa” chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của con người, cho nên ta có thể nói rằng văn hóa tức là sinh hoạt.
(Đào Duy Anh)
Ví dụ 2:
Hạnh phúc là gì? Một số người cho đó là sự thỏa mãn. Trong một chừng mực nhất định thì họ đúng. Một ngụm nước mát đối với những người sắp chết khát – đó không đơn thuần chỉ là sự thỏa mãn. Đó là hạnh phúc. Và ngay một mẩu bánh mì đối với những người sắp chết đói, một túp lều ấm cúng đối với người lữ khách lỡ độ đường cũng là hạnh phúc… Còn hạnh phúc của chúng tôi và các bạn – đó chẳng lẽ chỉ là sự thỏa mãn thôi sao? Dĩ nhiên không phải.
(Theo Tâm lý học lý thú)
+ Đoạn văn lập luận theo cách so sánh:
- So sánh tương đồng: từ một chân lí đã biết, đã được công nhận để suy ra một chân lí tương tự có chung logic bên trong.
- So sánh tương phản: đối chiếu các mặt trái ngược với nhau (trắng/đen, phải/trái, cũ/mới, tốt/xấu…) để làm nổi bật điều mình muốn nói.
Ví dụ: Phần đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
+ Đoạn văn lập luận theo cách nhân quả:
Kiểu lập luận này nhằm chỉ ra mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả của sự việc. Cách này có các dạng sau:
- Trình bày nguyên nhân trước, chỉ ra kết quả sau.
- Trình bày kết quả trước, chỉ ra nguyên nhân sau.
- Trình bày hàng loạt sự kiện theo quan hệ nhân – quả liên hoàn.
Ví dụ:
Vốn được sinh ra trong một gia đình trí thức ở thủ đô Hà Nội, cha là GS.TS. Toán học, mẹ là PGS. TS. Hóa học, có thể nói Ngô Bảo Châu là một hạt giống tốt. Ngay từ khi còn nhỏ Ngô Bảo Châu đã được “ươm trồng” trong những ngôi trường tốt với những người thầy giỏi, tâm huyết. Sau khi giành được hai huy chương vàng Olympic Toán quốc tế ở hai kỳ thi liên tiếp, Bảo Châu được sang Pháp học tập, nghiên cứu, được tiếp xúc và làm việc với các nhà toán học xuất sắc của phương Tây nhất là với giáo sư G.Laumon. Năng khiếu, niềm đam mê và môi trường tốt đã chắp cánh cho tài năng phát triển đến đỉnh cao khoa học mà bằng chứng là tháng 9 năm 2010, GS.Ngô Bảo Châu đã được nhận giải thưởng Fields danh giá – được coi là giải “Noben toán học” thế giới.
(Bích Hà)
+ Đoạn văn lập luận theo cách móc xích: là cách lập luận trong đó các câu móc nối với nhau chặt chẽ như một sợi xích, những từ ngữ cuối câu trước được lặp lại ở đầu câu sau.
Ví dụ:
Để mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta sớm thành hiện thực thì việc xây dựng, tạo lập một nền tảng văn hóa pháp luật lành mạnh và tích cực cần được đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết. Muốn xây dựng một xã hội có nền văn hóa pháp luật lành mạnh, tích cực, trước hết phải bắt đầu từ chính những người hoạt động trong ngành pháp luật, bởi họ trước hết phải là người đại diện cho văn hóa ứng xử tích cực đối với pháp luật. Muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Luật, có khả năng kiến tạo công lý và dám xả thân vì công lý, thì trong nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo của trường Đại học Luật, không thể coi nhẹ việc giáo dục tình cảm, đạo lý và thái độ ứng xử nhân văn.
(Hồng Vân)
+ Đoạn văn lập luận theo cách song hành:
Là cách lập luận trong đó mỗi câu trong đoạn diễn tả một sự vật, sự việc (các sự vật, sự việc này có mối quan hệ bên trong), chúng song hành với nhau.
Ví dụ: Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Tóm lại, trong rất nhiều công việc mà chúng ta phải thực hiện trong thực tiễn đời sống hàng ngày, từ học tập, nghiên cứu, nắm bắt các thông tin, thực thi pháp luật, giao kết làm ăn đến các lĩnh vực giao tiếp khác,… ta thường xuyên phải làm việc với các văn bản. Để lĩnh hội được một cách chính xác nội dung của một văn bản đòi hỏi ta phải nắm vững đặc điểm của các loại văn bản và có kỹ năng đọc - hiểu văn bản. Tùy thuộc vào mục đích mỗi công việc mà chúng ta cần phải phân tích, lĩnh hội văn bản đến mức độ nào. Ví dụ, khi đọc một bài báo, ta chỉ cần nắm được những thông tin cơ bản, chỉ cần hiểu một cách khái quát “tinh thần” của người viết. Nhưng đối với công việc nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu các văn bản thuộc lĩnh vực pháp lý (các văn bản pháp luật, bản cáo trạng, luận tội hay bản bào chữa) thì đòi hỏi ta phải lĩnh hội nội dung của văn bản một cách chính xác, sâu sắc, thấu triệt. Bởi vậy, việc rèn luyện các kỹ năng phân tích (đọc – hiểu) văn bản sẽ giúp ta có thể tiếp nhận nội dung của văn bản một cách chính xác và thấu đáo.

BÀI TẬP
Thực hành phân tích văn bản
1. Tìm hiểu đề tài, chủ đề, bố cục của văn bản sau:
Thời gian là vàng
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời gian là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên)
2. Tìm ý chính các đoạn văn sau, xác định đoạn có câu chủ đề và đoạn không có câu chủ đề:
a. Dân số là một biến số của bài toán: dân số với môi trường, dân số với tài nguyên, dân số với phát triển, dân số với chất lượng cuộc sống, dân số với lao động và việc làm, dân số với chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, dân số với giáo dục nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài… Bài toán này cần tìm ra đáp số. Đó là dân số và kế hoạch hóa gi
Attachments
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  AttachmentCHƯƠNG 1 gửi các lớp.doc
You don't have permission to download attachments.
(216 Kb) Downloaded 34 times
Về Đầu Trang Go down
https://ds34b.forumvi.com
Admin
Forum VIP
Forum VIP
Admin


Tổng số bài gửi : 401
Points : 6032
Thanks : 52
Join date : 02/05/2010

Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận    Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận  Icon_minitimeWed Sep 07, 2011 8:02 am

III. Phần kết luận:
- Khái quát, tổng kết nội dung đã trình bày.
- Nêu phương hướng khắc phục, triển khai hay gợi mở những phương hướng, ý tưởng mới.
3.3. Viết văn bản
Nếu đề cương là bộ xương thì viết là khâu làm “bồi da đắp thịt” cho văn bản để nó thành một cơ thể hoàn chỉnh, sống động. Đây là phần thể hiện các năng lực sử dụng ngôn ngữ, khả năng diễn đạt (dùng từ, viết câu, lập luận) của người viết. Bởi vậy, trong thực tế, với cùng một đề cương nhưng mỗi người tùy thuộc vào khả năng tư duy và diễn đạt, có thể viết thành văn bản với chất lượng hơn / kém khác xa nhau.
Dựa trên đề cương đã lập, khi viết thành văn bản, mỗi luận điểm được triển khai thành ít nhất một đoạn văn; nếu là một luận điểm lớn có nhiều luận điểm nhỏ thì mỗi luận điểm nhỏ cần được viết thành một đoạn văn. Việc chia tách văn bản thành các đoạn văn nhằm tạo cho văn bản sự rõ ràng, mạch lạc trong việc trình bày đồng thời tạo cho người đọc sự dễ dàng trong việc lĩnh hội văn bản.
.3.3.1. Yêu cầu của viết đoạn văn
- Đoạn văn có nhiệm vụ làm rõ một phần chủ đề văn bản, vì vậy, khi viết đoạn văn, người viết cần xác định đoạn văn cần viết nằm ở vị trí nào (mở, thân, kết), làm nhiệm vụ gì, ý chính cần trình bày trong đoạn văn là gì để lựa chọn cách lập luận phù hợp.
- Các câu trong đoạn phải liên kết chặt chẽ: về nội dung mỗi câu đều phải tập trung diễn đạt ý chính của đoạn; về hình thức các câu phải được liên kết bằng các phương tiện liên kết như phép nối, phép thế, phép lặp…
- Để khai triển từ ý thành lời văn đòi hỏi người viết phải có vốn liếng ngôn từ phong phú, phải nắm vững quy tắc ngữ pháp và có khả năng diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.
- Cần tránh các lỗi thường gặp khi viết đoạn như: các câu phân tán, lạc chủ đề; lặp ý, luẩn quẩn; các ý mâu thuẫn nhau, không logic; câu rời rạc, thiếu sự liên kết.v.v…
3.3.1.1. Cách viết đoạn mở bài
Cách 1: Mở bài trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề.
Ví dụ: Trong bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, phần mở đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Cách 2: Mở bài gián tiếp, dẫn dắt từ xa, từ khái quát rồi mới nêu vấn đề cần viết. Có nhiều cách mở gián tiếp: có thể đặt câu hỏi, có thể nêu một vấn đề trái ngược với vấn đề định viết, có thể dẫn dắt từ một câu chuyện… rồi mới nêu vấn đề cần bàn.
Ví dụ:
Trong một bài nói về đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu theo lối dẫn dắt:
Hôm nay tôi muốn nói một câu chuyện rất giản đơn, câu chuyện về Tam tự kinh. Câu đầu tiên của Tam tự kinh là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Chúng ta mượn câu ấy làm đầu đề nói chuyện.
3.3.1.2. Cách viết đoạn thân bài
Đây là phần quan trọng nhất của văn bản nhằm triển khai vấn đề theo hướng đã được xác định ở phần mở đầu.
- Người viết phải bám sát đề cương để triển khai các luận điểm thành các đoạn văn theo trình tự logic.
- Phải biết lựa chọn cách thức lập luận phù hợp đối với từng vấn đề, như: lập luận theo cách qui nạp (nêu các luận cứ trước để từ đó rút ra kết luận, nhận định khái quát); luận theo cách diễn dịch (nêu nhận định, luận điểm khái quát trước rồi mới diễn giải bằng các luận cứ cụ thể sau); lập luận theo cách phối hợp diễn dịch với qui nạp; lập luận theo cách phản đề. (Đã nói trong bài 2 của chương này).
3.3.1.3. Cách viết đoạn kết bài
Có nhiều cách kết bài:
- Kết khép: tóm lược nội dung đã trình bày.
Ví dụ: Phần kết bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
- Kết mở: vừa tóm lược nội dung đã trình bày, vừa gợi mở những suy nghĩ mới.
Ví dụ:
Bước vào thế kỷ mới, “muốn sánh vai các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ - những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỷ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.
(Vũ Khoan)
3.3.2. Liên kết đoạn và chuyển đoạn
- Mỗi văn bản thường gồm nhiều đoạn văn. Tuy nhiên, giữa các đoạn văn phải có sự liên kết thì mới tạo thành tính chỉnh thể thống nhất và sự mạch lạc của văn bản.
- Các phương thức để liên kết đoạn và chuyển đoạn thường được dùng để liên kết các đoạn văn đó là: phép lặp (cấu trúc), phép thế, phép liên tưởng, phép nối, hoặc dùng các từ chỉ trình tự (thứ nhất, thứ hai, trước hết, tiếp theo, dưới đây, sau đây, cuối cùng, tóm lại…).
Ví dụ:
Việc quy định mức tiền lương tối thiểu có ý nghĩa quan trọng đối với các bên tham gia quan hệ lao động và cả Nhà nước, thể hiện qua những điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiền lương tối thiểu là cơ sở để trả công cho người lao động, là cơ sở để quy định các mức tiền lương khác và dùng để tính các chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người lao động. Đây là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động…
Thứ hai, tiền lương tối thiểu được coi là một công cụ điều tiết rất quan trọng của Nhà nước nhằm góp phần hạn chế sự bóc lột và sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường lao động…
Thứ ba, tiền lương tối thiểu có thể được xem là thước đo mức sống tối thiểu trong xã hội…
(Lê Thị Thúy Hương)
- Cũng có thể dùng câu làm chức năng chuyển đoạn. Câu chuyển đoạn thường gồm hai vế: vế đầu tóm lược nội dung đoạn trước, vế sau giới thiệu nội dung của đoạn tiếp theo.
Ví dụ 1:
Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến.
Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa, để tiến bộ hơn nữa.
Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng của giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như: thái độ thờ ơ với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, chạy theo lối nhồi sọ…
(Hồ Chí Minh)
Ví dụ 2: đây là một câu chuyển tiếp theo kiểu tóm lược phần trên, giới thiệu phần dưới:
Ở trên đã chỉ ra những đặc trưng về văn hóa vật chất, dưới đây (sau đây; tiếp theo đây) chúng tôi sẽ trình bày những đặc trưng về văn hóa tinh thần.
3.4. Kiểm tra, sửa chữa, hoàn thiện văn bản
Khi văn bản viết xong cần phải kiểm tra lại để sửa chữa các lỗi về chính tả, ngữ pháp, các lỗi về dùng từ, diễn đạt cũng như các lỗi kỹ thuật do đánh máy. Đặc biệt, với các văn bản khoa học hoặc các loại văn bản có tầm quan trọng, được lưu hành, phổ biến rộng rãi thì phải cần đạt được sự chính xác và tính chuẩn mực cao, do đó việc kiểm tra sửa chữa các lỗi phải được thực hiện nghiêm túc và cẩn trọng để tránh những sai sót đáng tiếc làm giảm độ tin cậy, tính thuyết phục và hiệu quả giao tiếp của văn bản cũng như làm giảm uy tín của người viết.
Tóm lại, các yêu cầu và kỹ năng cơ bản đã nêu trên đây sẽ góp phần giúp cho việc rèn luyện các khả năng nói và viết một cách chuẩn xác. Đối với học sinh, các kỹ năng này đã được rèn luyện trong phân môn Tiếng Việt của chương trình môn Ngữ văn phổ thông. Tuy nhiên, có một thực tế là, đến cấp học đại học, thậm chí cả khi đã ra hành nghề, nhiều người vẫn chưa viết được một văn bản đạt yêu cầu cả về nội dung lẫn hình thức. Vì thế, ở cấp học đại học, sinh viên vẫn cần phải tiếp tục rèn luyện các kỹ năng nói và viết một cách chuẩn xác để có thể đáp ứng được các yêu cầu mà công việc và cuộc sống đòi hỏi. Đặc biệt đối với nghề Luật - một nghề đòi hỏi rất cao về các khả năng nói và viết một cách chuẩn xác, chặt chẽ, mạch lạc và có sức thuyết phục thì việc rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ lại càng có vai trò quan trọng.

BÀI TẬP
1. Thực hành lập đề cương cho một văn bản (chủ đề theo yêu cầu của giáo viên).
2. Thực hành viết một văn bản ngắn khoảng 400 chữ (chủ đề theo yêu cầu của giáo viên).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệp Quang ban, Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, tái bản lần thứ 3, Nxb. GD, 2006.
2. Phan Mậu Cảnh, Tiếng Việt thực hành. NXB.Nghệ An, 2009.
3. O.I.MoskalskaJa, Ngữ pháp văn bản, (Trần Ngọc Thêm dịch), Nxb. GD, 1996.
4. Đinh Trọng Lạc, Phong cách học tiếng Việt, Nxb. GD, 1999.
5. Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb, GD, 2006.
6. Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành. NXB. GD,
Về Đầu Trang Go down
https://ds34b.forumvi.com
 
Chương 1 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Chương 2 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận
» Chương 3 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận.
» Chương 4 bài 1 môn Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
» Bài 2 chương 4 môn Kỹ năng nghiên cứu và lập luận.
» Chương 5 môn Kĩ năng nghiên cứu và lập luận.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DS34B.TK Diễn đàn lớp Dân Sự 34B ĐH Luật TPHCM  :: HỌC TẬP :: HỌC KÌ 5-
Chuyển đến